Tâm lý đám đông khiến người vô tội bị đốt xe, ăn đòn oan
Sau hàng loạt thông tin cảnh báo tình trạng “bắt cóc trẻ em, mổ lấy nội tạng đem bán” tràn lan trên mạng xã hội, người dân cảm thấy rất hoang mang và đã có sự cảnh giác “trên mức bình thường”.
Điều đáng nói là trong số các thông tin trên, không ít là “tin giả” (fake news), được tung ra với những mục đích xấu như thu hút sự quan tâm của dư luận đối với một tài khoản nào đó trên Facebook, từ đây, tạo cơ hội thuận lợi cho việc kinh doanh trực tuyến.
Thực trạng tin giả tràn lan như vậy đã khiến những người vô tội bị hiểu lầm, khi sự cảnh giác của người dân lên cao tới mức thái quá, dẫn tới 2 vụ việc đau lòng gần đây là vụ đốt xe Fortuner ở Hải Dương của người đi mua gỗ, hay vụ đánh hội đồng gây thương tích nặng cho 2 phụ nữ bán tăm bông ở Sóc Sơn (Hà Nội), vì nghi… bắt cóc trẻ em.
Là một trong hai nạn nhân bị đánh vì nghi bắt cóc trẻ em ở Sóc Sơn, bà Nguyễn Thị Phúc vẫn chưa hết bàng hoàng, khi kể “may mà công an đến kịp, không thì tôi chết”
Ở những vụ việc đó, dường như đám đông quá khích không làm chủ được bản thân, và đã dễ dàng bị kích động dẫn tới những hành vi vi phạm pháp luật.
Để giải mã hiện tượng này, PV Báo ANTĐ đã trao đổi với Chuyên gia tâm lý, Thạc sĩ Đặng Thanh Tùng (Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia).
“Tâm lý đám đông là một hiện tượng mà trong đó, cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ, lời nói, thái độ, hành vi của một cá nhân bị tác động rất lớn bởi những người bên ngoài, sự tác động đó lớn tới mức cá nhân có thể ‘đánh mất chính mình’, có những cảm xúc, thái độ, hành vi mà lúc ở một mình họ không thể nào có được. Xét về khía cạnh tâm lý, cá nhân sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi họ hòa vào số đông, làm theo số đông, vì trong mọi trường hợp đều dễ ‘hòa cả làng’”, ThS. Tùng cho hay.
Theo vị chuyên gia tâm lý này, các nhà tâm lý học gọi đây là Hiệu ứng bầy cừu, một thuật ngữ mỉa mai về những hành vi bầy đàn thụ động của con người có thể bị dễ dàng kiểm soát bởi một quyền lực chi phối, mà họ được ví như những con cừu, một con vật ngoan ngoãn dễ dàng bị chăn dắt.
Nó cũng mô tả một hiện tượng nhiều người trong xã hội cùng tin tưởng hoặc thực hiện một việc gì đó, và khiến cho rất nhiều người khác a dua làm theo. Kiểu như: Nếu ta không biết chắc điều gì đang diễn ra thì tốt hơn hết là hãy bắt chước những gì người khác đang làm.
Các nhà tâm lý khẳng định rằng, 95% số người trong đám đông có khuynh hướng hành động theo một nhóm thiểu số chỉ chiếm khoảng 5%, mà không hề suy nghĩ, và đám đông càng nhiều người thì càng dễ gây ảnh hưởng. Từ một nhóm 200 người, chỉ cần 5% số người được thông tin trước là đã có thể chỉ huy cả nhóm.
“Vậy nên, khi đa phần người dân đang hoang mang và bị ‘bội thực’ với các tin bắt cóc trẻ em, mổ lấy nội tạng…, thì chỉ cần có người gợi ra việc bắt cóc là lập tức đám đông lao vào hành động không cần biết phải trái, không nghĩ đến hậu quả về sau”, ThS. Tùng chỉ rõ.
Làm sao để mọi thứ dừng ở mức… “vừa đủ”?
Rõ ràng những hành vi gây phẫn nộ như bắt cóc trẻ em, ăn trộm chó… phải bị lên án và cần đề cao cảnh giác. Song như đã phân tích ở trên, một khi bị cảnh giác ở mức thái quá, hậu quả sẽ rất khôn lường, đi ngược lại tác dụng đề phòng.
Vậy làm sao để biết dừng ở mức độ “vừa đủ”?
Theo Chuyên gia tâm lý, ThS. Đặng Thanh Tùng, những người làm báo cần thực sự tỉnh táo, không nên giật tít câu like, câu view đối với những sự việc như trộm chó, bắt cóc trẻ em… Không nên đưa những thông tin, ngôn từ mang tính chất kích động, mà thay vào đó là những thông điệp trung tính, chuẩn mực, phản ánh đúng thực tế cuộc sống.
Đối với người dân, cần thực sự bình tĩnh và tỉnh táo, để không rơi vào bẫy lừa của fake news, cũng như có cách hành xử phù hợp.
“Người ta đã nói rằng ‘nóng giận mất khôn’, nên việc bắt giữ kẻ bị nghi trộm chó hay bắt cóc trẻ em phải dựa trên cơ sở pháp luật, đặc biệt nên tuân thủ việc bắt giữ và báo cho chính quyền, thay vì tự xử bằng bạo lực”, ThS. Tùng chia sẻ.
Nếu không có cách ứng xử phù hợp, xã hội sẽ xuất hiện hội chứng “sợ làm người tốt”, thấy cảnh trẻ em cần giúp đỡ cũng bỏ qua để đỡ gặp tai vạ
Bên cạnh đó, việc giúp đỡ trẻ em trong hoàn cảnh khó khăn (bị lạc đường, đang khóc và cần được giúp đỡ…) cũng cần thực hiện đúng cách, để không bị hiểu lầm là “dụ dỗ/bắt cóc trẻ em”.
“Có những người bảo nhau sau 2 vụ đánh oan vì nghi bắt cóc trẻ em vừa qua rằng, giờ ra đường, có gặp trẻ em đang khóc hay bị lạc thì cũng nhắm mắt cho qua. Điều đó không đúng, vì như vậy lại đẩy các em vào nguy cơ khác. Điều quan trọng là phải biết giúp đỡ đúng cách”, ThS. Tùng bày tỏ.
Cụ thể, vị chuyên gia tâm lý nói trên “mách nước” rằng, khi chứng kiến một em bé cần giúp đỡ, trước tiên chúng ta phải nói chuyện với những người xung quanh về việc mình thấy hoàn cảnh đó, và muốn hỗ trợ. Hãy nhớ rằng nên nói với một nhóm người hơn là chỉ nói với một người.
Cùng với đó, hãy nghĩ tới giải pháp tìm những người có trách nhiệm để cùng hỗ trợ, chẳng hạn như ở chung cư thì báo với bảo vệ, ở đường phố thì tìm tới công an địa phương, ở bệnh viện thì báo với cán bộ y tế… (Càng báo được cho những người đang mặc đồng phục làm việc thì càng tốt).
Trong quá trình tìm người để báo và hỗ trợ, nên chọn những người có trang phục gọn gàng, ăn mặc lịch sự để báo, vì điều này liên quan đến hiệu ứng ấn tượng ban đầu, khi đám đông dễ có cảm tình với những người ăn mặc lịch sự hơn những người thiếu chỉn chu.
*****
Với những lời khuyên hữu ích kể trên, hy vọng mọi người luôn giữ được tinh thần cảnh giác trước những kẻ xấu, song không hiểu lầm để “đánh oan” người vô tội, cũng như không để bản thân trở thành nạn nhân của một trận đòn hội đồng oan gia, chỉ vì muốn giúp đỡ trẻ em trong hoàn cảnh khó khăn.
Theo ANTD
Discussion about this post