Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu đưa sản phẩm sâm và hương liệu, dược liệu nói chung, quốc bảo Việt Nam là sâm Ngọc Linh nói riêng vươn tầm thế giới.
Tối 24-5 tại trục đường Lê Lợi, phường Bến Nghé (quận 1) đã diễn ra chương trình khai mạc Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP HCM năm 2024.
Lễ hội quy tụ sự tham gia của 11 quốc gia, 20 tỉnh thành, 160 doanh nghiệp trưng bày các sản phẩm sâm và hương liệu, dược liệu, mô hình trải nghiệm sâm và hương liệu dược liệu, 40 gian hàng ẩm thực… Ngoài ra, lễ hội còn có các hoạt động xúc tiến thương mại du lịch, hội thảo bổ ích, thú vị được tổ chức chu đáo.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan tham quan gian hàng sâm Việt Nam tại lễ hội. Ảnh: Tú Uyên
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan đánh giá Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP HCM năm 2024 là sự kiện quy mô quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Việt Nam được thiên nhiên ưu ái, ban tặng tiềm năng to lớn nguồn sâm và hương liệu dược liệu quý hiếm. Trên thế giới Việt Nam đứng thứ 14 về độ đa dạng sinh học. Theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam có hơn 5.000 loài thực vật và nấm, 75 loài khoáng vật có công dụng làm thuốc trong đó có nhiều loại dược liệu quý hiếm như sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, tam thất hoang…
Ngoài ra, Việt Nam đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng ấn tượng của ngành dược liệu, đạt hơn 8,5 tỉ USD trong năm 2023 và dự kiến tăng mạnh mẽ hơn trong những năm tới.
Quảng bá sâm tiến vua đến khách tham quan lễ hội. Ảnh: Tú Uyên
Theo ông Hoan, với xu thế sử dụng dược liệu thiên nhiên để chăm sóc sức khỏe thế giới, chúng ta cần nắm bắt cơ hội để thúc đẩy sự phát triển ngành sâm, hương liệu, dược liệu trong nước.
Qua đó đưa Việt Nam trở thành một trong các quốc gia chủ lực nổi tiếng về sâm, hương liệu, dược liệu trên thế giới. Đặc biệt là các loại sâm bản địa như sâm Ngọc Linh, loại nhân sâm quý hiếm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới, được xem là quốc bảo của Việt Nam.
Để đạt mục tiêu trên, ngành sâm, hương liệu, dược liệu cần vượt qua thách thức; hiện đại hóa công nghệ trong sản xuất chế biến và thương mại hóa hiệu quả sản phẩm.
Đến lễ hội, khách tham quan trải nghiệm thực cảnh rừng sâm sống động của doanh nghiệp tỉnh Kon Tum Ảnh: Tú Uyên
Với tinh thần đó, thành phố mong muốn Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu sẽ góp phần triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng chính phủ về chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Đồng thời thực hiện hiệu quả Nghị quyết đại hội Đảng bộ Thành phố lần XI nhiệm kỳ 2020 -2025 về việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, là thành phố đi đầu cả nước về nông nghiệp công nghệ cao.
“Tôi tin rằng Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu sẽ là tiền đề thúc đẩy sự phát triển ngành sâm và hương liệu, dược liệu. Đây cũng là cơ hội cho TP HCM cùng các địa phương, doanh nghiệp trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm hợp tác, từ đó nâng cao giá trị hình ảnh sâm hương liệu dược liệu Việt Nam. Lễ hội là một hoạt động nhằm tạo ra cơ hội để đưa các sản phẩm sâm và hương liệu, dược liệu nói chung quốc bảo Việt Nam là sâm Ngọc Linh nói riêng vươn tầm thế giới”- ông Hoan nói.
Tại lễ hội sâm và hương liệu dược liệu quốc tế TP HCM năm 2024, tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings đã ra quyết định trao hai kỷ lục Việt Nam về nhân sâm Wisconsin Hoa Kỳ cho kỷ lục gia Đặng Đức Thành.
Ông Đặng Đức Thành được xác lập hai kỷ lục là “Tác giả có công trình nghiên cứu, tổng hợp và xuất bản bộ sách về nhân sâm Wisconsin Hoa Kỳ nhiều nhất Việt Nam với 14 cuốn”.
Kỷ lục thứ hai là dành cho “Người xuất bản video và sách hướng dẫn nấu 200 món ăn sử dụng Nhân sâm Wisconsin Hoa Kỳ nhiều nhất Việt Nam”.
Discussion about this post