Đảm nhận ghế Tổng giám đốc Hãng hàng không Emirates tại Việt Nam từ tháng 6/2016, Haitham Al Battawy rất thích thú với cuộc sống ở Việt Nam, thậm chí vị doanh nhân này còn tự mình điều khiển xe máy, thay vì chỉ di chuyển bằng xe hơi. Ông đã có những chia sẻ khá thú vị về quan điểm sống và kinh doanh.
Ông Haitham Al Battawy – CEO hãng hàng không Emirates VietnamÔng có cảm nhận ban đầu như thế nào về Việt Nam, “ngôi nhà” mới của mình?
Trước khi đến Việt Nam, tôi đã có trải nghiệm ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng thật sự, ở Việt Nam rất tuyệt, nhất là thái độ thân thiện của người dân, người nước ngoài được đón chào rất nồng hậu. Mỗi khi mình mỉm cười với ai, họ đều mỉm cười lại rất vui. Hôm đầu tiên đến Việt Nam, tôi đã lái xe máy trên đường, phải nói là cảm giác rất thoải mái, như ở nhà. Rồi đến nơi làm việc, các bạn đồng nghiệp trẻ rất hòa đồng và hợp tác, tất cả đều kết nối tốt với nhau. Thức ăn ở đây cũng rất tuyệt.
Điều hành một hãng hàng không nước ngoài tại Việt Nam, các ông có chịu áp lực gì không, chẳng hạn như những con số tăng trưởng về doanh thu từ công ty mẹ…?
Trong hoạt động hàng ngày, chúng tôi luôn luôn đặt ra mục tiêu cho mình phấn đấu. Hôm nay tốt rồi, ngày mai phải tốt hơn, ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua. Các lãnh đạo công ty mẹ cũng đặt ra những mục tiêu rất cụ thể với đội ngũ ở Việt Nam và đôi khi những mục tiêu ấy cũng rất áp lực. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam rất tiềm năng, năng động và chúng tôi đã đạt được thành công bước đầu ở TP. HCM sau 4 năm có mặt tại Việt Nam. Với những suy nghĩ như thế, chúng tôi rất tự tin khi mở rộng hoạt động kinh doanh ra Hà Nội.
Trong một thị trường cạnh tranh khá quyết liệt, đã có những hãng hàng không phải rời bỏ cuộc chơi, còn ông nhắc đến thành công, có thể cụ thể nó bằng những con số nào?
Tại thị trường Việt Nam, chúng tôi tăng trưởng rất tốt. Chẳng hạn, con số hành khách năm ngoái mà hãng phục vụ đạt tới 81.000 lượt. Chúng tôi đã sử dụng máy bay có sức chở 360 người tại đường bay TP. HCM. Và tới đây, chúng tôi sẽ áp dụng các chính sách tương tự với thị trường Hà Nội. Hy vọng chúng tôi cũng sẽ đạt hiệu suất tương tự tại Hà Nội và có thể tăng trưởng 2 con số. Như tôi đã nói, thị trường Việt Nam cực kỳ tiềm năng.
Khi bạn có mạng bay rộng, sẽ dễ dàng giúp hành khách tiếp cận các điểm đến như Mỹ, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ. Trong khi nhu cầu kinh doanh, đi nghỉ, đi làm việc của người Việt Nam ra khắp thế giới ngày càng tăng.
Đã kinh doanh ở Việt Nam gần 4 năm, các ông có gặp khó khăn, thách thức gì tại thị trường này?
Thách thức có chứ, nhưng thách thức bao giờ cũng bao hàm cả cơ hội, nếu chúng ta vượt qua sẽ hoạt động tốt hơn. Đồng thời, trong thách thức lại hàm chứa nhiều giải pháp mới khi bạn tìm cách hóa giải chúng. Chúng tôi cũng gặp nhiều thách thức, nhưng đã giải quyết chúng chủ yếu bằng cách phối hợp tốt với các đối tác tại Việt Nam. Chẳng hạn như làm việc với các đại lý, các hãng du lịch lữ hành. Nói chung, tạo ra môi trường hợp tác thân thiện, các bên đều cảm thấy rất dễ chịu và dễ đạt hiệu quả.
Emirates được chính phủ Dubai trợ giá. Ông nghĩ sao về những ý kiến này?
Nhiều khi người ta cứ đồn đại, đưa đẩy này kia. Thực sự có đúng như vậy không? Đã 20 năm nay, chúng tôi thực hiện công bố báo cáo tài chính có kiểm toán hàng năm. Ai có suy nghĩ như vậy họ hoàn toàn có thể tham khảo để kiểm chứng thông tin rất dễ dàng.
Có phải các ông đã đề xuất với các cơ quan quản lý Việt Nam được giảm 30% phí hạ cánh tại sân bay Nội Bài cho đường bay mới ở Hà Nội không? Tại sao các ông lại đề xuất nhiều như vậy?
Chúng tôi chỉ đề xuất giống như các hãng khác. Khi đến một thị trường, chúng tôi cố gắng làm việc với các đối tác để làm sao giảm thiểu chi phí vận hành ở mức tốt nhất. Tất nhiên, việc giảm thiểu chi phí vận hành còn liên quan đến nhiều yếu tố. Còn về việc xin giảm phí hạ cánh, xin cho tôi không phải nói chi tiết. Với câu chuyện này, tôi chỉ muốn nói rằng, Emirates cũng giống các hãng khác, cố gắng làm sao đem đến dịch vụ tốt nhất, với giá cả hợp lý cho khách hàng.
Ông nhắc đến giá cả, vậy chiến lược giá cả của hãng tại Việt Nam như thế nào khi đã có những hãng nước ngoài phải thoái lui sau khi vào Việt Nam?
Nếu bạn muốn thực sự trở thành một phần của cuộc chơi, nhất thiết bạn phải đưa ra chiến lược giá cạnh tranh. Chúng tôi sẽ áp dụng chính sách vé đa dạng, có điểm nhấn, có thay đổi phù hợp với thị trường, có nhiều hình thức đa dạng như đặt vé qua mạng, đặt vé sớm… Rồi chính sách giá cả cũng phải phù hợp với các nhóm đối tác từ đại lý, hãng lữ hành…
Nói chung, nhà kinh doanh phải làm gì để khách hàng thấy rằng, họ bỏ ra số tiền nào đó để mua vé thì dịch vụ được thụ hưởng phải đáng đồng tiền bát gạo.
Tại sao các ông lại lựa chọn Yangon (Myanmar) làm điểm nối tuyến Hà Nội – Dubai mà không phải điểm nào khác?
Khi lựa chọn điểm đến hay trung chuyển nào đó, chúng tôi luôn nghiên cứu rất chi tiết. Nhu cầu xuất khẩu hàng hóa từ Hà Nội ngày càng tăng, nhu cầu đi du lịch, kinh doanh và làm việc giữa các điểm trên cũng tăng mạnh. Chọn Yangon làm điểm trung chuyển là nhằm đem lại lợi ích tối ưu cho khách hàng và hãng.
Ở đầu câu chuyện ông có nói rằng, rất thích cuộc sống, con người Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp rất chú trọng đến yếu tố văn hóa trong kinh doanh, với các ông, điều này được nhìn nhận thế nào?
Ai cũng yêu và ngưỡng mộ cái đẹp. Con người Việt Nam rất đẹp, đất nước có nhiều phong cảnh đẹp, văn hóa cũng rất ấn tượng. Chúng tôi đã tuyển dụng 200 cán bộ Việt Nam và hy vọng con số đó sẽ tăng trong tương lai. Khi bước chân lên máy bay của Emirates, bạn sẽ thấy phi hành đoàn có những người nói tiếng Việt, tiếp viên Việt Nam, sản phẩm ẩm thực được lựa chọn phù hợp với văn hóa, sở thích của người Việt và cả những dịch vụ giải trí cũng phải phù hợp với văn hóa của đất nước chúng tôi bay đến.
Tóm lại, yếu tố văn hóa trong kinh doanh luôn được chúng tôi chú trọng và còn đặc biệt quan trọng đối với các hãng hàng không.
Thuỳ Nguyễn – Theo Đầu tư Chứng khoán
Discussion about this post