Hơn 5 năm nay, gia đình cụ Huỳnh Thị Nguyệt khốn đốn vì vướng vào vụ kiện liên quan đến việc con rể tự ý viết giấy tay bán mảnh đất của cha mẹ vợ. Ba lần mở phiên tòa xét xử nhưng sau đó đều hoãn.
Theo hồ sơ, trước 1975, vợ chồng cụ Huỳnh Thị Nguyệt (SN 1941) khai phá thửa đất nằm đối diện số nhà 76 Khe Sanh (số cũ 18, phường 10, TP Đà Lạt) diện tích hơn 1.600m2. Sau đó, vợ chồng cụ Nguyệt cho vợ chồng chị Dương Thị Nguyệt Thu (SN 1962, con gái) và Trần Văn Bảy (SN 1955, con rể, cùng ngụ 76, Khe Sanh) khoảng 100m2 trong khu đất, dựng nhà tạm ở.
Năm 2001, dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 20 (cũ) triển khai, căn nhà tạm cùng 100m2 được cha mẹ cho thuộc diện giải toả, vợ chồng ông Bảy nhận đền bù, chuyển sang số 76 sinh sống. Khu đất hơn 1.500m2 của bố mẹ vợ nằm đối diện, vợ chồng ông Bảy tự nguyện trông coi giúp.
Năm 2018, ông Nguyễn Văn Sáu (SN 1952, ngụ TP. Hồ Chí Minh) đến gặp ông Bảy hỏi mua khu đất trên với giá 300 triệu đồng. Sau khi xem đất, ông Sáu đặt cọc 50 triệu đồng, khoảng 1-2 ngày sau sẽ trả đủ tiền và hai bên làm hợp đồng mua bán viết tay. Ngay sau khi tự ý bán khu đất, vợ chồng ông Bảy đem tiền xuống nhà vợ thì bị tất cả mọi người phản đối, yêu cầu vợ chồng ông Bảy tự chịu trách nhiệm và phải trả lại tiền cho bên mua, lấy lại đất.
“Một ngày sau khi bán, do người mua ở tận TP. Hồ Chí Minh nên tôi gọi điện, nói rõ mảnh đất của phía nhà vợ, vợ chồng tôi không có quyền bán, xin trả lại tiền. Nhưng phía người mua không đồng ý, không chịu nhận lại tiền”, ông Bảy trình bày.
Vợ chồng ông Bảy cho rằng nhiều ngày sau đó tìm cách trả lại tiền cho người mua nhưng không được. Rồi liên tục có nhiều người tới gặp vợ chồng ông khuyên vợ chồng ông thuyết phục gia đình vợ công nhận việc mua bán đất, có thể được trả thêm đến 500 triệu đồng.
“Nhiều lần cơ quan công an, tòa án mời lên làm việc, tôi đều làm bản tường trình khẳng định những nội dung khai báo như trên là đúng sự thật. Số tiền 300 triệu, từ đó đến nay vì trả lại không được nên chúng tôi vẫn để nguyên đó, sẵn sàng trả lại bất cứ lúc nào. Do tôi thiếu hiểu biết mới ký vào hợp đồng viết tay bán đất của cha mẹ vợ”, ông Bảy khẳng định.
Sau khi chính quyền các cấp hoà giải bất thành, năm 2019, cụ Nguyệt khởi kiện ra TAND TP Đà Lạt, yêu cầu huỷ hợp đồng mua bán đất giữa con rể, con gái với ông Sáu vì giấy tay mua bán đất trái luật, đất không phải của con rể, con gái; giấy tờ mua bán ghi 1.000m2 nhưng thực tế đo vẽ năm 2018 hơn 1.500m2 thuộc thửa đất số 224, 225, 288, 291 tờ bản đồ số 08. Cụ Nguyệt yêu cầu ông Sáu trả lại đất cho cụ.
Ngày 22.5.2019, TAND TP Đà Lạt thụ lý vụ án dân sự về việc “Tranh chấp yêu cầu huỷ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” theo đơn kiện của cụ Nguyệt.
Về phía người mua, cũng khởi kiện. Ngày 6.6.2019, TAND Đà Lạt thụ lý vụ án dân sự về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất”. Nguyên đơn là ông Sáu, yêu cầu cụ Nguyệt và con gái là bà Dương Thị Nguyệt Thủy trả lại 1.000m2 “đất lấn chiếm của ông Sáu”.
Tháng 11.2019, TAND Đà Lạt nhập hai vụ kiện thành vụ “Tranh chấp quyền sử dụng đất và tranh chấp yêu cầu huỷ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”. Ở vụ án nhập lại này, cụ Nguyệt khởi kiện trước thành bị đơn, ông Sáu là nguyên đơn.
Theo hợp đồng viết tay, vợ chồng ông Bảy bán cho ông Sáu 1.000m2 đất, nguồn gốc do vợ chồng ông Bảy “khai phá lâu năm, chưa làm sổ đỏ”. Tuy nhiên hồ sơ cho thấy, tại các lần làm việc với chính quyền địa phương, công an, toà án, vợ chồng ông Bảy đều khẳng định thửa đất là của bố mẹ vợ chứ không phải của mình.
Về phía người mua đất, đưa ra chứng cứ “tên ông Bảy được ghi trong sổ mục kê năm 1996” để cho rằng thửa đất là của ông Bảy. Theo tài liệu này, ông Bảy kê khai 1.671m2 đất và 120m2 đất thổ cư; sau đó bị thu hồi hơn 742m2, còn lại khoảng 1.000m2, vừa khớp với diện tích trong hợp đồng mua bán viết tay.
Tuy nhiên, ông Bảy khẳng định đây là đất của cha mẹ vợ nên không hề thực hiện thủ tục kê khai đất, không thực hiện thủ tục đề nghị cấp sổ đỏ với diện tích trên. Ông Bảy đề nghị cơ quan tố tụng cần xác minh, điều tra các vấn đề liên quan “sổ mục kê năm 1996” để làm rõ tài liệu này có nội dung nhầm lẫn hay không?
Theo Luật sư Nguyễn Thị Vân, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh nhận định, theo Điều 188 Luật Đất đai 2013, muốn chuyển nhượng đất, phải là người có quyền sử dụng với đất đó. Như vậy, vợ chồng ông Bảy đã vi phạm điều cấm khi ký giấy tay bán đất. “Theo Điều 123 BLDS, thì giao dịch dân sự vô hiệu nếu vi phạm điều cấm của luật. Vì vậy, cần căn cứ các quy định trên để tuyên vô hiệu giao dịch giấy tay giữa vợ chồng ông Bảy và bên mua. Các bên cần hoàn trả cho nhau những gì đã nhận và bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường, theo Điều 131 BLDS”.
Phía cụ Nguyệt cũng đưa ra bằng chứng chứng minh quyền sử dụng đất thuộc về mình, là những biên lai thu thuế nhà, đất mang tên chồng cụ Nguyệt.
Gần 3 năm sau, sau khi liên tục có khiếu nại về việc chậm đưa vụ án ra xét xử, ngày 28.10.2022 TAND Đà Lạt mở phiên sơ thẩm. Tuy nhiên, do vắng mặt nhiều nhân chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên hoãn tòa. Ngày 27.2.2023, TAND Đà Lạt đưa vụ án ra xét xử nhưng tiếp tục hoãn để xác minh một số nội dung, trong đó có nội dung ông Bảy có thực hiện kê khai thông tin trong sổ mục kê với thửa đất hay không.
Ngày 25.10.2023, TAND Đà Lạt tiếp tục đưa vụ án ra xét xử, lại hoãn do trước đó Viện KSND cùng cấp có văn bản yêu cầu xác minh thông tin liên quan thửa đất tranh chấp.
Dự kiến ngày 28.11.2023, phiên toà sẽ được mở lại.
Discussion about this post