Phản hồi “cắt khúc”
Mở đầu văn bản phản hồi số 242/CTHA ngày 11-3-2019, Cục trưởng Bùi Phú Hưng xác định: Ngày 1-10-2014, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An ký QĐ thi hành án theo “phán quyết trọng tài” (PQTT) ngày 25-4-2013 giữa hai Công ty HP với China Policy Limited (gọi tắt CPL).
Theo đó, Công ty HP sẽ thực hiện “thỏa thuận khung”, bao gồm thực hiện thủ tục xin phép để có được giấy chứng nhận đầu tư cho công ty liên doanh của dự án tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An (Khu dân cư cao cấp và Trường đua ngựa do Công ty HP làm chủ đầu tư). HP sẽ đóng góp QSDĐ của phần đất giai đoạn 1 vào liên doanh.
Ngày 18-9-2017, chấp hành viên (CHV) Cục THADS tỉnh Long An Võ Văn Xuân ký công văn số 525/CTHA ngăn chặn 13 sổ đỏ của Công ty HP. Ngày 29-11-2018, CHV Xuân ký văn bản số 682/CTHADS-NV chấm dứt hiệu lực công văn 525.
Ngày 18-12-2018, CHV Đặng Hoàng Yên ký QĐ số 07/QĐ-CTHADS (QĐ 07) ngăn chặn toàn bộ 13 sổ đỏ của HP, cho đến khi các bên thi hành xong PQTT.
Cục trưởng Hưng “xét thấy”, CHV ký QĐ 07 là cần thiết, đúng quy định của Luật THADS nên ngày 6-3-2019, ông ký QĐ số 06/QĐ-CTHADS, bác khiếu nại của Công ty HP, “giữ y” QĐ 07.
Chúng tôi rất bất ngờ về văn bản phản hồi này. Hồ sơ thể hiện rõ, suốt hơn 5 năm 4 tháng tổ chức thi hành PQTT (do Cục THADS TPHCM thực hiện năm đầu, sau đó ủy thác cho Cục THADS tỉnh Long An), phát sinh nhiều vấn đề, vậy mà Cục trưởng Hưng lại “cắt khúc”, bỏ quên phần cốt lõi, cũng là bản chất của vụ việc.
Như Báo CATP đã phản ánh, trước ngày 18-9-2017, chủ đầu tư đã 2 lần bị “cấm vận”, trong đó Cục THADS TPHCM ngăn chặn lần thứ nhất (toàn bộ 13 sổ đỏ) ngày 9-12-2013. Cục THADS tỉnh Long An ngăn chặn lần hai ngày 10-12-2014. Cả hai lệnh ngăn chặn này đã được bãi bỏ. Đến CHV Xuân là ngăn chặn lần ba, cũng đã gỡ bỏ theo chỉ đạo của Tổng cục THADS.
Nay tới lượt CHV Yên ra lệnh ngăn chặn lần tư theo yêu cầu của CPL, quyết liệt nhằm vào chủ đầu tư. Dù công luận, trong đó có Báo CATP đã phản ánh với một loạt chứng cứ xác thực, chỉ rõ CHV ký QĐ 07 là không đúng quy định pháp luật, vượt thẩm quyền, nhưng Cục trưởng Hưng lại “giữ y”(!).
Đại diện Công ty HP phản ứng: Cứ nghĩ THA sẽ chấm dứt, không ngờ lại tái diễn, đẩy việc “cấm vận” dự án lên đỉnh điểm. Thực chất của hai QĐ số 06 và 07 là thúc ép, buộc Công ty HP phải “bắt tay” với CPL (đối tác từng tố cáo, bêu xấu nhằm triệt hạ HP dẫn đến mâu thuẫn không thể hàn gắn) để hình thành liên doanh HP – CPL. Nếu HP không chịu “cặp đôi” với CPL thì dự án bị “trùm mền” vô thời hạn, dẫn đến tê liệt, đẩy chủ đầu tư đi vào phá sản.
Chủ đầu tư lên tiếng
Công ty HP trưng ra bằng chứng cho thấy QĐ 07 ban hành trái pháp luật, gây cản trở hoạt động doanh nghiệp, xâm phạm nghiêm trọng đến QSDĐ, quyền sở hữu tài sản của Công ty HP được pháp luật (Hiến pháp, Luật Đất đai, Luật Đầu tư…) bảo vệ.
Thứ nhất, hơn ai hết, Cục trưởng Bùi Phú Hưng và CHV Yên biết rõ PQTT không giải quyết tranh chấp về tài sản là 13 sổ đỏ của Công ty HP. QĐ thi hành án cũng không có nội dung nào đề cập đến việc xử lý tài sản của HP. QĐ 07 ngăn chặn 13 sổ đỏ là không đúng phạm vi, đối tượng thi hành án.
Thứ hai, theo quy định của Luật Đầu tư và các quy định pháp luật có liên quan, việc thành lập công ty liên doanh phải do “ý chí tự nguyện” của hai Công ty HP và CPL; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (kể cơ quan THADS) không thể thực hiện thay các bên đương sự.
Đây cũng là quan điểm Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS cũng như Cục THADS tỉnh Long An thể hiện rõ bằng văn bản. Do đó, việc CHV lấy lý do lập công ty liên doanh để ngăn chặn 13 sổ đỏ của HP là trái pháp luật.
Mặt khác, theo PQTT thì HP sẽ đóng góp giá trị QSDĐ giai đoạn 1 khi công ty liên doanh được thành lập. Chính Cục trưởng Hưng đã nhiều lần xác định: Khi liên doanh đã được thành lập mà HP không đưa 13 sổ đỏ góp vốn vào thì mới bị chế tài bằng biện pháp cưỡng chế. Đây cũng là quan điểm của Tổng cục THADS.
Thực tế đến thời điểm này, liên doanh HP – CPL vẫn còn trong giai đoạn bàn bạc, nên không có căn cứ để ràng buộc trách nhiệm pháp lý liên quan đến 13 sổ đỏ của HP.
Thứ ba, hai QĐ số 07 đi ngược lại với chỉ đạo của UBND tỉnh Long An khi đã nhiều lần hối thúc HP đẩy nhanh tiến độ dự án, nếu không sẽ bị thu hồi. HP vừa bỏ ra 210 tỷ đồng, nâng số tiền mà công ty đầu tư vào dự án đã hơn 1.000 tỷ.
Tại cuộc họp ngày 9-5-2018, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đồng thời là Trưởng ban chỉ đạo THADS tỉnh Trần Văn Cần, yêu cầu HP khẩn trương phát triển dự án như đã cam kết với UBND tỉnh. Việc ngăn chặn sẽ “bóp chết” dự án nghìn tỷ, dẫn đến hậu quả khó lường.
Thứ tư, CHV ký QĐ 07 là làm trái chỉ đạo của Tổng cục THADS. Liên quan đến vụ việc này, thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, các cơ quan chức năng trong đó Tổng cục THADS đã vào cuộc làm rõ và có kết luận. Ngày 26-11-2018, Tổng cục THADS có văn bản số 4341/TCTHADS-NV1, khẳng định:
Không có cơ sở để tiếp tục thực hiện công văn ngăn chặn số 525 ngày 18-9-2017; yêu cầu Cục THADS tỉnh Long An chấm dứt thi hành công văn này. Cục trưởng Hưng đồng nhất với quan điểm của Tổng cục THADS thể hiện tại rất nhiều văn bản.
Ông Hưng nhấn mạnh tại văn bản số 458/CV-CTHDS ngày 5-10-2018: “Đến nay, Cục THADS tỉnh không có căn cứ để cưỡng chế kê biên tài sản đối với 13 sổ đỏ theo quy định tại khoản 4 điều 69, điều 71 Luật THADS năm 2014; cũng như không có cơ sở để tiếp tục duy trì công văn 525”.
Chính vì thế nên ngày 29-11-2018, CHV Xuân đã ký văn bản số 682, chấm dứt hiệu lực thi hành công văn 525. Cùng ngày, ông Hưng ký văn bản báo cáo Tổng cục THADS, xác định rõ Cục THADS tổ chức cuộc họp liên ngành (trong đó có đại diện VKSND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh…), thống nhất việc CHV ra văn bản số 682. Văn bản này hiện vẫn chưa bị thu hồi thì CHV lại ký tiếp QĐ 07. Việc để tồn tại song hành văn bản “giải tỏa ngăn chặn” với QĐ “ngăn chặn” thể hiện rõ sự mâu thuẫn, chồng chéo của Cục THADS tỉnh Long An.
Thứ năm, cho đến nay văn bản chỉ đạo số 4341 của Tổng cục THADS vẫn còn nguyên giá trị pháp lý. Việc CHV ký ban hành QĐ 07 “chồng” lên văn bản 4341 là trái quy định pháp luật, có dấu hiệu vượt thẩm quyền…
Đại diện chủ đầu tư cho biết, ngoài khiếu nại lần hai, đã được Tổng cục THADS thụ lý, giải quyết, Công ty HP đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng can thiệp, cứu doanh nghiệp…
Đại diện Cục THADS cho biết, sẽ chuyển câu hỏi của PV đến cục trưởng. Ngày 7-3-2019, PV Báo CATP tiếp tục đến Cục THADS nhưng ông Hưng lại bận. PV tiếp tục đặt ra vấn đề mấu chốt liên quan đến QĐ 07 trái với văn bản chỉ đạo số 4341 của Tổng cục THADS cũng như tư cách pháp nhân của Công ty CPL.
Tài liệu PV thu thập được cho thấy, đến đầu năm 2019, CPL mới lập thủ tục, hồ sơ được Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 22-1-2019 và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 29-1-2019. Khi CPL chưa có tư cách pháp nhân tại Việt Nam, Cục THADS tỉnh Long An ngăn chặn 13 sổ đỏ của Công ty HP dựa trên những quy định pháp luật nào?…
Discussion about this post