Báo Dân Việt từng đăng bài “Long An: 5 bộ, ngành vào cuộc vụ dự án bất động sản nghìn tỷ “bất động” 14 năm” (10/3/2021). Bài báo phản ánh những tréo ngoe trong tranh chấp giữa 2 doanh nghiệp, tại dự án khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa ở tỉnh Long An.
Khởi kiện đòi lập công ty liên doanh để… chia 130ha đất dự án
Năm 2005, Cty cổ phần địa ốc Hồng Phát (HP) được tỉnh Long An cấp phép đầu tư dự án khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa. Dự án có quy mô 500ha, tại huyện Đức Hoà, với vốn đầu tư 140 triệu USD.
Ngày 1/6/2007, HP ký kết “Thoả thuận khung” với Công ty China Policy Limited (viết tắt CPL, trụ sở tại British Virgin Islands (BVI) cùng thực hiện dự án.
Theo “Thoả thuận khung”, 2 bên sẽ ký kết hợp đồng thành lập “công ty liên doanh”, với vốn điều lệ 21,4 triệu USD (HP góp 30% bằng giá trị quyền sử dụng đất (QSDĐ); CPL góp 70% bằng tiền mặt). CPL tạm ứng 15,6 triệu USD (số tiền này được tính vào tiền góp vốn của CPL khi thành lập công ty liên doanh) để trả cho chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ.
Do chính sách đất đai thay đổi, chi phí đền bù, tái định cư tăng… Riêng tiền sử dụng đất, từ 100.000 đồng/m2 tăng lên 300.000 đồng/m2 (tháng 2/2008). Ước tính tiền sử dụng đất phát sinh, HP phải đóng thêm 465 tỉ đồng (27 triệu USD).
Ngoài ra, khu tái định cư cho dân, theo yêu cầu của chính quyền địa phương phải thực hiện luôn trong giai đoạn 1 (thay vì giai đoạn 2, như “Thoả thuận khung”), với phát sinh trên 4,5 triệu USD…
HP đề nghị CPL bổ sung vốn tạm ứng… Tuy nhiên, CPL từ chối và ra điều kiện chỉ xem xét thanh toán tiếp, khi dự án đã có Giấy chứng nhận QSDĐ do công ty liên doanh đứng tên.
Dù bị đối tác bỏ rơi, HP vẫn tự tìm nguồn tài chính bồi thường mặt bằng, với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng. Tháng 6/2009, HP được UBND tỉnh Long An cấp 13 sổ đỏ, với tổng diện tích 232,6ha.
Vậy là xảy ra tranh chấp giữa 2 doanh nghiệp. Vụ việc được đưa lên Trung tâm trọng tài quốc tế VN (VIAC) phán xử vào tháng 8/2010. VIAC phán quyết: “Hai công ty tiếp tục thực hiện “thoả thuận khung” để thành lập “công ty liên doanh”. HP nhiều lần đề nghị CPL ngồi lại đàm phán, thoả thuận, cùng tiếp tục thực hiện dự án, thành lập công ty liên doanh; chia sẻ chi phí phát sinh, mà theo thống kê của HP là tăng thêm 34 triệu USD. Nhưng CPL vẫn không đáp ứng.
Trái lại, từ tháng 4/2019 đến tháng 5/2022, CPL đã liên tục ra các văn bản đòi HP chia phần 130ha/232,6ha đất dự án mà HP sau hơn 18 năm vất vả mới giải phóng, đền bù và duy trì được tới nay – đồng thời là chủ đầu tư duy nhất của dự án này.
Có đánh đố doanh nghiệp ?
Nhằm thực hiện phán quyết của trọng tài, trong các năm qua, cơ quan chức năng tỉnh Long An đã ban hành rất nhiều văn bản để 2 doanh nghiệp đàm phán, cùng thành lập công ty liên doanh.
Trong đó, có việc ngăn chặn HP giao dịch trên diện tích đất đã đền bù tại dự án. Ngày 18/12/2018, lần thứ 2, Cục thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Long An ban hành quyết định số 07/QĐ-CTHADS, “tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản” của HP, gồm 13 giấy chứng nhận QSDĐ đứng tên HP. Và, gần 3 năm qua, UBND tỉnh Long An cũng có văn bản buộc HP dừng triển khai dự án…
Bà Thái Thị Hồng Hậu – phó Tổng Giám đốc HP – nói: “Phán quyết trọng tài ban hành đến nay đã hơn 9 năm. Cục THADS tỉnh Long An tổ chức thi hành phán quyết đã hơn 7 năm. Nhưng tới nay, HP và CPL vẫn chưa thống nhất để thành lập công ty liên doanh theo phán quyết của trọng tài”.
Theo bà Hậu, do CPL đã tự “vô hiệu hóa”, không thi hành phán quyết trọng tài. CPL khẳng định “mâu thuẫn giữa CPL và HP kéo dài, không thể tháo gỡ, nên việc thành lập công ty liên doanh là không còn khả thi”.
Trong khi đó, theo ông Alan Tong Kwok Lun – Tổng Giám đốc CPL, “cho phép CPL được tự thực hiện dự án trên một phần diện tích của diện tích đất giai đoạn 1 (130ha/232,6ha), bằng việc thu hồi dự án đã cấp cho HP và cấp chứng nhận đầu tư cho CPL trên một phần diện tích đó. Theo phương án này, tranh chấp giữa HP và CPL sẽ chấm dứt vĩnh viễn”.
Bà Hậu đã phản đối quyết liệt điều này. “CPL liên tục đòi chia 130ha đất trong dự án do HP là chủ đầu tư hợp pháp duy nhất. Mục đích để CPL thực hiện dự án riêng mang tên “Saigon Bevely Hill”. Việc chia tách dự án hoàn toàn không có trong nội dung phán quyết trọng tài. Chính CPL đã vi phạm phán quyết trọng tài” – bà Hậu nói.
Bên cạnh đó, phán quyết trọng tài buộc HP lập công ty liên doanh theo Luật Đầu tư năm 2005, có quy định về hình thức đầu tư “thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài”. Trong khi Luật Đầu tư năm 2014 và 2020 đều không còn hình thức đầu tư kiểu này. Do đó, nếu HP và CPL thành lập công ty liên doanh theo Luật Đầu tư năm 2005 là trái với Luật Đầu tư năm 2014 và 2020.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long đã có văn bản hướng dẫn HP và CPL nghiên cứu, lựa chọn một số hình thức đầu tư khác. Tuy nhiên, việc chọn lựa hình thức đầu tư khác thì trái với phán quyết trọng tài.
Theo quy định của pháp luật, việc thành lập công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự, không thể có sự áp đặt của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác; trong khi đó, phán quyết trọng tài lại … cưỡng buộc 2 doanh nghiệp phải lập công ty liên doanh.
Thật vậy, với những yếu tố trên, rõ ràng việc thực thi phán quyết trọng tài tại dự án này là không khả thi, như đánh đố 2 doanh nghiệp và các cơ quan hướng dẫn thi hành phán quyết trong suốt hơn 14 năm qua.
Ông Bùi Phú Hưng – Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An – cho rằng: “Do vụ việc THA khó khăn phức tạp, có yếu tố nước ngoài; dự án liên quan đến THA là dự án lớn của tỉnh Long An. Dự án kéo dài ảnh hưởng đển sự ổn định, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Nên Cục THADS tỉnh đề xuất UBND tỉnh đưa vụ việc vào danh sách các vụ việc thuộc thẩm quyền của tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố theo quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 29/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ”.
Ông Hưng cũng cho biết thêm: Theo quy định, việc thành lập công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (kể cả cơ quan THADS) không thể thực hiện thay. Nên Cục THADS tỉnh Long An đã mời đại diện 2 công ty, để Công ty Hồng Phát và Công ty CPL phải tự lựa chọn cơ chế để giải quyết việc thỏa thuận thành lập Công ty liên doanh theo phán quyết trọng tài
Theo Dân Việt: https://danviet.vn/du-an-bat-dong-san-bat-dong-14-nam-o-tinh-long-an-phan-quyet-trong-tai-danh-do-doanh-nghiep-20220705090843881.htm
Discussion about this post