Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) ở Anh ước tính, trong kịch bản xấu nhất, virus Corona mới (nCoV hay Covid 19), đang lây lan từ Vũ Hán ra nhiều quốc gia, sẽ gây thiệt hại lớn gấp 6 lần cho nền kinh tế Trung Quốc so với dịch SARS vào năm 2003.
Vì sao Vũ Hán quan trọng?
Với dân số hơn 11 triệu người, triển vọng tăng trưởng kinh tế kỳ vọng đạt 7,8% năm 2020, Vũ Hán – nơi bùng phát dịch Corona là một trong những thành phố năng động nhất Trung Quốc. Năm ngoái, Vũ Hán thu hút 319 triệu du khách, doanh thu lên tới 357 tỷ USD.
Sở hữu giá trị GDP năm 2018 đạt 224 tỷ USD, tương đương 1,6% giá trị GDP toàn Trung Quốc, thành phố thuộc tỉnh Hồ Bắc này đặt mục tiêu tạo ra 220.000 việc làm trong năm nay. Vũ Hán còn là nơi hoạt động của hơn 300 công ty thuộc nhóm 500 công ty đại chúng lớn nhất Mỹ do Tạp chí Fortune bình chọn (Fortune 500).
Đồng thời, nơi đây còn là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, cũng như là chặng trung chuyển không thể thiếu trong thương mại quốc tế của Trung Quốc khi sở hữu cảng hàng không, nhiều sân ga và một cảng lớn trên sông Dương Tử. Do đó, Vũ Hán được xem như cánh cổng giao thương giữa Trung Quốc với châu Âu, Trung Đông và cả Mỹ. Chưa kể, nhiều startup lĩnh vực công nghệ cao từ Trung Quốc lẫn nước ngoài cũng dồn về Vũ Hán trong thời gian qua.
Thành phố này còn là chiếc nôi của nền công nghiệp xe hơi Trung Quốc và được mệnh danh là Chicago hay Detroit của gã khổng lồ châu Á. Mỗi năm, trên 2 triệu chiếc xe hơi được sản xuất tại Vũ Hán. Dongfeng Motor – một trong tứ trụ của nền công nghiệp xe hơi Trung Quốc cũng đặt trụ sở tại đây, hai tập đoàn xe hơi Pháp là Peugeot Citroen và Renault cũng chọn nơi này để thâm nhập thị trường tỷ dân.
Do đó, dễ thấy sức tăng trưởng của kinh tế Vũ Hán đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đà tăng trưởng đang chậm lại của Trung Quốc (chỉ đạt 6,1% vào năm ngoái – mức thấp nhất ba thập niên qua). Tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” tại Vũ Hán với nhiều lợi thế như trên chắc chắn khiến cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn chưa hồi phục từ những thiệt hại do thương chiến với Mỹ, thêm phần tổn thương.
Đòn giáng mạnh vào GDP Trung Quốc
Theo các chuyên gia kinh tế, “cơn bão” Corona đã “thổi bay” hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ (CNY), tức hơn 143 tỷ USD, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán khỏi các nhà hàng, ngành du lịch và điện ảnh Trung Quốc. Cụ thể, toàn bộ cửa hàng quần áo của Uniqlo tại Vũ Hán đã đóng cửa, hơn 400 địa điểm thuộc chuỗi nhà hàng lẩu lớn nhất Trung Quốc Haidilao dừng hoạt động từ ngày 26-31/1/2020. Bảy buổi công chiếu phim bị hoãn lại, hai công viên Disneyland tại Hồng Kông và Thượng Hải đóng cửa, 9 du thuyền hạng sang Costa Cruises của Carnival Corp không được phép rời khỏi Trung Quốc từ ngày 25/1 – 4/2/2020.
Được biết, những bộ phim công chiếu dịp năm mới mang lại doanh thu lớn cho nhiều hãng phim Trung Quốc, với doanh thu đợt Tết âm lịch năm ngoái lên đến 5,9 tỷ CNY, tương đương 10% tổng doanh thu 2019. Riêng tổng doanh thu từ du lịch trong tuần lễ từ du lịch, phim ảnh, nhà hàng cùng bán lẻ chiếm gần 7% GDP quý I/2019 của Trung Quốc.
“Với vô số địa điểm giải trí tại Trung Quốc, gồm khoảng 11.000 rạp chiếu phim và các khu nghỉ dưỡng lớn như công viên Disneyland ở Thượng Hải tạm thời đóng cửa do dịch bệnh bùng phát từ Vũ Hán, tác động tiêu cực xảy ra gần như lập tức đối với ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc là rất đáng kể”, Rajiv Biswas – Chuyên gia trưởng Khu vực châu Á – Thái Bình Dương thuộc IHS Markit nhận định.
Bên cạnh đó, theo tờ SCMP, nỗi sợ bị ảnh hưởng từ dịch bệnh của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Trung Quốc đang tăng mạnh, nhiều trong số đó thậm chí lo sẽ phá sản nếu Corona không sớm được kiểm soát.
“Khách hàng nước ngoài chắc chắn sẽ chờ đợi và xem xét diễn biến tình hình dịch bệnh, cũng như nhiều khả năng sẽ đặt hàng ở nơi khác thay vì Trung Quốc”, Tom Wang – chủ một nhà máy giày dép ở Đông Quan (Quảng Đông) nói.
Trước diễn biến khó lường và mức độ lây lan của Corona, cùng những biện pháp phòng, chống quyết liệt từ chính quyền, nhiều chủ cửa hiệu, nhà hàng nhỏ và công ty logistics nội địa sợ rằng, họ chỉ có thể cầm cự thêm vài ba tháng nữa rồi phá sản.
Zhang Ming – một chuyên gia kinh tế tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc dự báo, tốc độ tăng trưởng thường niên của Trung Quốc có thể giảm xuống dưới 5% trong quý I/2020. Trong khi đó, tờ Le Figaro bình luận, tình hình kinh tế Trung Quốc đang rất căng thẳng, dự báo tăng trưởng nhiều khả năng sẽ không vượt quá 5,7% năm 2020.
Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Evergrande Ren Zeping, nếu so với năm 2003 – thời điểm dịch SARS “hạ gục” 2% tăng trưởng GDP hằng quý, tỷ lệ tiêu dùng trong GDP của Trung Quốc hiện cao hơn nhiều, đồng nghĩa với tác động từ dịch viêm phổi Vũ Hán đến nền kinh tế sẽ lớn hơn. Ông Ren ước tính, với kịch bản tốt nhất là dịch bệnh được kiểm soát và chấm dứt vào tháng 4/2020, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm từ 6,1% năm 2019 xuống còn 5,4% vào năm nay. Nhưng trong kịch bản xấu nhất, tăng trưởng có thể chỉ đạt 5%.
Kinh tế thế giới “cảm lạnh”
Không thể phủ nhận rằng, khi nền kinh tế Trung Quốc “hắt hơi” vì dịch Corona, kinh tế thế giới cũng theo đó mà ít nhiều “cảm lạnh”. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell hôm 29/1/2020 cho rằng, dịch Corona bùng phát ở Trung Quốc là một mối đe dọa mới, xuất hiện giữa lúc triển vọng kinh tế toàn cầu khởi sắc trong những tháng vừa qua.
Trong đó, đối tượng hứng chịu nhiều thiệt hại nhất sẽ là các doanh nghiệp thuộc ngành khách sạn, hàng không, sòng bạc và du thuyền. Theo S&P Global, ảnh hưởng đối với các hãng hàng không cũng như những đơn vị khai thác từ ngành hàng không tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ phụ thuộc vào quy mô và mức độ lây lan của Corona ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Ngân hàng Goldman Sachs dự báo, Corona sẽ khiến 0,4% mức tăng trưởng thường niên ở Mỹ “bốc hơi” trong quý I/2020, khi du khách từ Trung Quốc đến Mỹ giảm và xuất khẩu hàng hóa theo chiều ngược lại bị gián đoạn. Đồng thời, việc Bắc Kinh đình chỉ hoạt động du lịch tại Trung Quốc và nước ngoài từ ngày 28/1/2020 cũng gây tác động không nhỏ đến những nền kinh tế dựa nhiều vào du lịch từ Trung Quốc, như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Singapore, Malaysia. Hằng năm, khách du lịch Trung Quốc ở nước ngoài chi khoảng 130 tỷ USD.
Tình hình dịch bệnh cũng khiến nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới thông báo tạm dừng hoạt động tại Trung Quốc. Cụ thể, Starbucks đã đóng cửa hơn một nửa cửa hàng, H&M đóng cửa 45 cửa hàng và đình chỉ mọi chuyến công tác tới và từ Trung Quốc, British Airways dừng toàn bộ chuyến bay đến Trung Quốc; American Airlines dừng các chuyến bay từ Los Angeles đến Thượng Hải, Bắc Kinh và ngược lại, nhà máy sản xuất xe hơi điện của Tesla tại Thượng Hải cũng phải đóng cửa dù chỉ mới hoạt động hồi tháng trước, IKEA dừng hoạt động 30 cửa hàng; các nhà máy sản xuất của Coca Cola cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Thế nên, sẽ không dễ để ước tính được mức độ thiệt hại về mặt kinh tế mà Corona gây ra. Hãng nghiên cứu Pantheon Macroeconomics nhận định, SARS đã kéo tốc độ tăng trưởng hằng quý của Trung Quốc xuống còn 1,8% quý II/2003, từ mức trung bình 2,8%.
“Trong kịch bản xấu nhất, dịch Corona sẽ gây thiệt hại lớn gấp 6 lần cho nền kinh tế Trung Quốc so với dịch SARS. Nếu tính cả việc tỷ trọng giữa nền kinh tế Trung Quốc và kinh tế thế giới đã lớn hơn gấp gần 4 lần so với năm 2003, và dựa trên tác động trong quá khứ của dịch SARS, thiệt hại gây ra đối với GDP toàn cầu sẽ từ 1,8-6%”, CEBR cho biết.
Trước khi tác động từ dịch Corona trở nên rõ ràng, GDP toàn cầu được dự báo sẽ tăng 2,9% trong năm 2020. Do đó, dễ thấy rằng, đà phục hồi mong manh của nền kinh tế toàn cầu sẽ bị đe dọa, trừ phi thuốc trị bệnh và vắc xin cho Corona sớm được tìm ra.
Nguồn: Báo Doanh Nhân Sài Gòn
Discussion about this post