Ngày 8/7, tiếp tục các hoạt động tiếp xúc song phương bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Donald Trump
Tổng thống Donal Trump khẳng định sẽ đến Việt Nam
Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Donald Trump, Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị Cấp cao APEC tại Đà Nẵng tháng 11/2017.
Hồi cuối tháng 5 vừa qua, trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Hoa Kỳ, hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh có nhiều cơ hội đang mở ra trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, trong đó quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại đang ngày càng được tăng cường. Hai bên đã ra Tuyên bố chung về tăng cường Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, hai nhà lãnh đạo khẳng định xu thế hòa bình và hợp tác là dòng chảy chủ đạo trong quan hệ quốc tế cũng như quan hệ hai nước; cùng nhất trí duy trì quan hệ hữu nghị và hợp tác, ổn định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc thành công tốt đẹp; khẳng định Việt Nam đánh giá cao vai trò lãnh đạo hạt nhân của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hết sức coi trọng thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước.
Người đứng đầu Chính phủ và các nhà lãnh đạo Việt Nam mong muốn được đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.
Việt Nam với Indonesia, Ấn Độ
Trong ngày 8/7, thay mặt Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trân trọng mời Tổng thống Indonesia Joko Widodo tham dự Hội nghị Cấp cao APEC tại Đà Nẵng tháng 11/2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Indonesia vừa qua đã thả và cho hồi hương 695 ngư dân Việt Nam và đề nghị Indonesia xử lý vấn đề nghề cá trên tinh thần nhân đạo, đoàn kết ASEAN và Đối tác chiến lược Việt Nam – Indonesia. Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hai bên cần tiếp tục thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước.
Về phía Indonesia, Tổng thống Joko Widodo cảm ơn lời mời dự Hội nghị cấp cao APEC, khẳng định sẽ tham dự Hội nghị quan trọng này và cam kết ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Năm APEC 2017; bày tỏ mong muốn hai hên thúc đẩy để sớm hoàn tất đàm phán phân dịnh Vùng đặc quyền kinh tế; nhất trí với đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về đối xử nhân đạo với ngư dân Việt Nam.
Gặp lại Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng và hoan nghênh các nhà lãnh đạo của Ấn Độ và lãnh đạo Đảng BJP sang thăm Việt Nam theo “Chương trình khách quý” trong năm 2017 nhân dịp hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập Đối tác Chiến lược.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ấn Độ hạn chế và từng bước xóa bỏ các rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD vào năm 2020; đồng thời khẳng định Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các công ty, tập đoàn lớn của Ấn Độ đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam khẳng định, Việt Nam ủng hộ chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ và nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp vào việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bày tỏ việc rất coi trọng thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Ấn Độ – Việt Nam; nhất trí cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước; đánh giá cao vai trò điều phối quan hệ ASEAN – Ấn Độ của Việt Nam; khẳng định Việt Nam là trụ cột quan trọng trong chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ.
Hợp tác toàn diện Việt Nam – EU
Tại cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu, hai bên nhất trí thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU, duy trì thường xuyên trao đổi đoàn nhất là các đoàn cấp cao. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị EU sớm hoàn thành việc rà soát pháp lý và ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), đồng thời hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để triển khai hiệu quả EVFTA.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn EU đã hỗ trợ Việt Nam hiệu quả trong khắc phục hậu quả hạn hán, thiên tai; đề nghị EU tiếp tục có những chương trình, dự án cụ thể giúp Việt Nam thực hiện các cam kết của Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh EU rất coi trọng thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác có trách nhiệm trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay có nhiều nhân tố khó lường; đánh giá cao vai trò của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á và trong ASEAN; nhất trí cùng Việt Nam đẩy nhanh quá trình rà soát pháp lý để sớm ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Cùng ngày, tại cuộc gặp với Tổng Giám đốc WHO, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng ông Tedros Adhanom Ghebreyesus được bầu làm Tổng Giám đốc WHO với số phiếu cao; nhấn mạnh những thành tựu của Việt Nam về y tế và mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam và WHO để phục vụ tốt hơn mục tiêu chăm sóc sức khỏe người dân và đạt các SDGs.
Cảm ơn sự hợp tác tích cực của Chính phủ và hệ thống y tế Việt Nam, Tổng Giám đốc WHO đề cao những nỗ lực và thành tựu quan trọng của Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng nền y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; khẳng định Việt Nam là một trong những tấm gương thành công trong lĩnh vực y tế.
Lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao vai trò của Việt Nam ở khu vực, bày tỏ sự tin tưởng Năm APEC Việt Nam 2017 sẽ thành công tốt đẹp. Về vấn đề Biển Đông, các nhà lãnh đạo Indonesia, Ấn Độ và EU chia sẻ quan điểm với Việt Nam về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Nguồn Dân trí
Discussion about this post