Giá thịt lợn hơi tại các địa phương hơn nửa tháng qua đã tăng gần gấp đôi, từ mức 22.000 lên 41.000 – 45.000 đồng/kg. Lý giải cho sự tăng giá này, có nhiều đồn thổi cho rằng: Do người chăn nuôi đã không còn mặn mà với việc nuôi lợn,…
Lý giải cho sự tăng giá này, có nhiều đồn thổi cho rằng: Do người chăn nuôi đã không còn mặn mà với việc nuôi lợn, dẫn tới nguồn cung đang ít đi; do phía Trung Quốc bắt đầu tăng mua trở lại, do các doanh nghiệp FDI bắt tay làm giá…!?. Tuy nhiên, theo các chuyên gia và nhà quản lý thì sự tăng giá này có các dấu hiệu của sự chưa bền vững!
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng đàn lợn trên cả nước hiện vào khoảng 27 triệu con, giảm 1,7 triệu con so với đầu năm. Vì các đợt “giải cứu” vừa qua đã góp phần kích thích nhu cầu tiêu thụ trong nước và kiểm soát việc tăng đàn ở các hộ chăn nuôi. Cục Chăn nuôi khẳng định, số lượng này đủ để đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ trung bình khoảng 300 nghìn tấn/tháng từ nay tới cuối năm.
Trước thông tin cho rằng, nguồn cầu tăng là do bên kia biên giới phía Trung Quốc bắt đầu mua trở lại. Tổng cục Hải quan cho biết, lợn thịt xuất đi Trung Quốc chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh, từ đầu năm đến nay vẫn ở mức rất thấp. Năm ngoái có đợt cao điểm lên tới hàng chục ngàn tấn/tháng, nhưng năm nay trung bình chỉ 400 – 500 tấn/tháng. Riêng lợn thịt, từ đầu năm tới nay mới chỉ có một chuyến xuất khẩu, với hơn 54 tấn, hơn nữa giá bán thậm chí còn thấp hơn giá trong nước hiện nay.
Trước thông tin cho rằng, các doanh nghiệp FDI bắt tay làm giá!?, ông Lê Xuân Huy – Phó TGĐ Công ty chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết: “… việc “làm giá” của các doanh nghiệp là rất khó xảy ra, bởi đa phần lượng lợn được nuôi tại Việt Nam là do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ quản lý.
Ngay như với C.P Việt Nam, dù được xem là một trong những doanh nghiệp lớn nhất của ngành chăn nuôi lợn nhưng với tổng số lượng lợn nuôi hiện nay chỉ chiếm khoảng 5% thì vai trò của việc điều tiết giá là điều không tưởng!…”.
Ông Huy cho biết thêm: “Là công ty đại chúng nên C.P Việt Nam hiện là đơn vị chăn nuôi gần như là duy nhất ở Việt Nam công khai giá bán ở mọi thời điểm. Chính vì vậy có nhiều nơi hay nhìn vào giá niêm yết lợn hơi của C.P Việt Nam để đưa ra nhận định chung về mặt bằng giá cả. Thông thường giá niêm yết của Công ty sẽ nhỉnh hơn thị trường, bởi C.P Việt Nam áp dụng chăn nuôi theo quy trình khép kín, sử dụng công nghệ cao giám sát kĩ từ con giống đến chất lượng thức ăn, kiểm soát dịch bệnh an toàn, truy xuất nguồn gốc từ khâu đầu đến sản phẩm cuối cùng.
Đông đảo bà con mua thịt heo giải cứu tại thành phố Cần Thơ
Ngoài ra còn bao gồm chi phí vận chuyển đến trung tâm vì thế chi phí sản xuất cao kéo theo giá thành cao hơn chỗ khác…”. Ngay lúc này người dân cần phải hết sức tỉnh táo, cân nhắc chi phí đầu tư để bán ra hoặc tái đàn theo khả năng, tránh chạy theo thông tin rồi găm hàng hoặc tái đàn đầu tư ồ ạt sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng như thời gian qua”- ông Huy trăn trở.
Trước thực trạng này, lãnh đạo Cục Chăn nuôi và Hiệp hội chăn nuôi heo Đồng Nai cũng khẳng định: việc tăng giá vừa qua là một cơn sốt của thị trường và có các dấu hiệu tăng giá chưa bền vững.
Chính vì thế, cả hai đơn vị này đều nhấn mạnh, do giá lợn trước kia đã xuống quá sâu, giờ lên mức trung bình người chăn nuôi cần cân nhắc việc bán ra để có lãi. Việc găm hàng của một số hộ chăn nuôi cần rất cẩn trọng, bởi nếu giá lại xuống thì cung cầu lại có thể bị ảo theo.
Bởi số lượng lợn tại các doanh nghiệp còn rất nhiều nhưng việc làm giá sẽ khiến cho thị trường có thể có “sốt ảo” vì tưởng là đang thiếu nguồn cung, gây nên tình trạng rối loạn trên thị trường. Đồng thời,
chưa biết đợt tăng giá có kéo dài hay không nên cân nhắc trong việc tái đàn hoặc mở rộng đàn. Hiện tại các cửa khẩu qua Trung Quốc thì lượng lợn hơi xuất đi rất hạn chế và giá bán thậm chí còn thấp hơn giá trong nước.
Theo TBDN
Discussion about this post