Suốt gần 3 tháng ngắc ngoải với giá 24.000-25.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi lỗ vốn thê thảm, từ ngày 14.7.2017, giá lợn hơi bất ngờ bật tăng và chỉ trong 10 ngày “tiến thẳng” lên mức 45.000 đồng/kg. Nhưng rất nhanh, 10 ngày sau đó giá lợn “quay đầu” lao dốc tới 10 giá, hiện còn 35.000 đồng/kg. “Nếu do cung – cầu tự nhiên của thị trường, chắc chắn giá lợn không thể lên xuống đột ngột như vậy” – nhiều chuyên gia kinh tế nhận định.
Thấy giá lợn hơi lên, người dân mừng rỡ tăng đàn. Nay giá lợn giảm, nhiều người như “ngồi trên đống lửa”. Ảnh: THẾ ANH
Lợn hơi tăng, giảm bất thường như chứng khoán
Anh Nguyễn Văn Hùng, hộ chăn nuôi lợn tại Tượng Lĩnh – Kim Bảng (Hà Nam) buồn rầu cho biết: Khi giá lợn hơi bắt đầu giảm xuống mức 33-38 nghìn đồng/kg, anh không khỏi mừng thầm khi có thương lái trả tới 40 nghìn đồng/kg cho đàn lợn của anh.
Thế nhưng, giá lợn quay đầu giảm khiến mối hàng của anh “bỏ của chạy lấy người”. “Khi giá lợn lên, chúng tôi hy vọng có thể bán được, nhưng không ngờ giá lại giảm nhanh đến vậy. Thương lái đã hẹn mua thấy bị “hớ” nên đã “lặn” một hơi mất tăm, gọi điện không nghe máy” – anh Hùng buồn rầu chia sẻ.
Anh Hán Văn Cầu – hộ chăn nuôi lợn tại xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ) cũng thông tin về giá lợn tại Phú Thọ từ 40-42 nghìn đồng đã giảm xuống mức từ 32-38 nghìn đồng/kg. “Thương lái lợi dụng giá lợn đang xuống để ép người bán. Những hộ lợn bắt đầu quá trọng lượng, thương lái ép với giá rẻ mạt” – ông Hán Văn Cầu cho biết.
Trong đợt “sốt” giá vừa qua, anh Nguyễn Thế Anh (Ứng Hòa – Hà Nội) thấy giá lợn lên 40-42 nghìn đồng/kg nhưng không có dấu hiệu dừng, mỗi ngày tăng 1 giá, cho rằng giá lợn còn tiếp tục lên nên anh nghe ngóng chưa bán vội. Thế nhưng, chỉ sau 10 ngày, giá lợn “quay đầu” lao dốc đến 10 giá, nhiều người trở tay không kịp.
Nhiều người chăn nuôi tại Hưng Yên, Hà Nam, Phú Thọ, Thái Bình… cũng tỏ ra lo ngại khi giá lợn hơi “lên xuống bất thường như chứng khoán”. Tuy nhiên, anh Nguyễn Thế Anh tin tưởng, giá lợn hơi sẽ không thể giảm sâu bởi nguồn lợn thịt đã trở về cân đối với nhu cầu tiêu thụ. Thậm chí, nếu Trung Quốc mở cửa, giá lợn hơi sẽ tăng cao hơn nữa.
Có bàn tay đang thao túng?
Mặc dù ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng, giá lợn hơi “đang rất tốt”, “ở mức 38-40 nghìn đồng/kg”. Nhưng nhiều chủ trang trại khẳng định: Giá lợn hơi thực tế đang thấp hơn mức đó rất nhiều. “Giá chủ yếu phổ biến ở mức 33-35 nghìn đồng/kg, rất ít người bán được với giá 37-38 nghìn đồng/kg. Tôi không hiểu căn cứ vào đâu mà Cục Chăn nuôi lại nói 2 ngày nay giá lợn đang ở mứ 38-40 nghìn đồng/kg”- anh Nguyễn Văn Hùng bức xúc nêu câu hỏi.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế – TS Nguyễn Văn Nam – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại, nêu ý kiến: Người chăn nuôi không thể có đủ tư liệu để dự báo thị trường. Trong khi đó các cơ quan chuyên môn của Bộ NNPTNT cũng chỉ dừng lại ở mức “cảnh báo”, dự báo, mà chưa nghiên cứu sâu và có hệ thống về thị trường, tỉ lệ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu… để đưa ra dự báo chính xác và nghiêm túc chứ không thể dừng lại ở mức chung chung như hiện nay.
Điều đáng nói là, theo TS Nguyễn Văn Nam – cơ quan Nhà nước cần phải xem lực lượng thu mua thịt lợn ở Việt Nam hiện nay ai là người “nắm” và chi phối thị trường. Có phải chỉ là các nhà tiêu thụ trong chuỗi sản xuất không, hay là có những lực lượng tiêu thụ không theo cung cầu để gây rối thị trường. “Tại sao tuần này thịt lợn lên, tuần sau lại xuống? Rõ ràng đây không phải là nhu cầu thị trường mà đây là có một lực lượng tác động để phá hoại sự ổn định của thị trường.
Lực lượng đó là ai? Trước đây người dân cứ nghi ngờ một cách chung chung vô căn cứ là do các thương lái Trung Quốc, nhưng có thể lực lượng này trong nước. Những kẻ đầu cơ này nâng giá để bán lợn của mình, khi đã bán xong thì hạ giá xuống, người dân lại thiệt”.
Còn theo chuyên gia kinh tế – TS Nguyễn Minh Phong, nông dân thấy giá lợn tăng sẽ tiếp tục tự phát tăng đàn; thấy giá xuống sẽ đóng chuồng không nuôi, hoàn toàn tự phát, không có dự tính sẽ tạo chênh lệch giữa “cung – cầu” và càng khiến giá sản phẩm mất ổn định. Vậy nên, trong việc bình ổn giá và giúp người chăn nuôi định hướng thì vai trò của Nhà nước và cơ quan chức năng rất quan trọng. Nhà nước cần thương lượng để có được những hợp đồng xuất khẩu chính ngạch để bình ổn giá, tăng nguồn cầu.
TS Nguyễn Văn Nam nói thêm: “Ngoài nghiên cứu bên cung, điều quan trọng nhất của kinh tế thị trường là phải nghiên cứu bên cầu, đồng thời nghiên cứu lực lượng tham gia thị trường, đặc biệt phải nhận diện được lực lượng tiêu thụ thị trường là ai…, chứ không thể hôm nay khuyên dân nuôi, mai khuyên không nuôi.
Nguồn Lao động
Discussion about this post