Trên địa bàn TP Thủ Đức (TP.HCM) hiện có hàng trăm dự án nhà ở với hơn 1.300ha đã triển khai hàng chục năm qua vẫn chưa hoàn thiện và bàn giao hạ tầng cho Nhà nước quản lý. Diện tích các dự án này rộng hơn gấp ba lần diện tích quận 4.
Từ câu chuyện hai khu đô thị An Phú và An Phú – An Khánh hơn 20 năm chưa bàn giao, Tuổi Trẻ tiếp tục tìm hiểu và xác định tại TP Thủ Đức hiện có cả trăm dự án nhà ở đã được chủ đầu tư triển khai từ 15 – 20 năm, có dự án đã gần 30 năm, nhưng vẫn chưa bàn giao hạ tầng cho Nhà nước.
Hạ tầng trong khu vực các dự án này do vậy đã không được duy tu, không thể đấu nối vào hệ thống giao thông chung của TP, càng làm cho giao thông xuống cấp và bế tắc.
Chưa bàn giao đã… “nát”
Từ đường Đỗ Xuân Hợp (phường Phú Hữu, quận 9 cũ) rẽ qua đường 711 vào khu nhà ở cán bộ công nhân viên Đại học Bách khoa TP.HCM (rộng hơn 25ha) là cây cầu bằng thép có tải trọng chỉ 1,5 tấn. Cây cầu này cũng là lối dẫn độc đạo vào khu dân cư trên từ hướng này.
Hiện tại khu dân cư này nhà xây rải rác, nhà cửa cũ kỹ, một số công trình xây dựng dang dở, bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Đường sá tại dự án đều đã xuống cấp, mặt đường lồi lõm, nhiều miệng cống không nắp thành những cái bẫy cho người đi đường.
Theo người dân tại đây, khoảng 3-4 năm nay đường sá xuống cấp trầm trọng. Năm ngoái, bà con phải tự góp tiền để sửa chữa tạm đoạn đầu đường 711. “Cư dân chúng tôi lập tổ tự quản, tự phân công nhau phát quang, dọn dẹp. Nhưng hạ tầng thì chủ đầu tư phải làm lại mới được…” – ông Trần Kỳ Thủ, cư dân ở dự án này, nói.
Được biết, dự án này được phê duyệt từ năm 2000, đến nay đã 23 năm. Dự án này do Công đoàn của Đại học Bách khoa đứng ra xin và phối hợp với pháp nhân khác triển khai để bố trí nơi ở cho cán bộ công nhân viên của trường. Sau khi thực hiện cơ bản dự án thì chủ đầu tư cũng “giải tán” trong khi hạ tầng vẫn chưa bàn giao nên không có ai duy tu và bảo dưỡng.
Dự án dân cư Cát Lái (phường Cát Lái, TP Thủ Đức) có quy mô lên tới hơn 38ha với nhiều tiện ích của khu đô thị. Tuy nhiên, lối dẫn vào khu này bị che khuất tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Bên cạnh những tuyến đường khang trang với nhiều dự án bất động sản cũng có những tuyến, đoạn cỏ mọc um tùm, thậm chí leo lên cả cột điện, trụ đèn.
Dây điện rơi thõng xuống mặt đất. Dân cư sinh sống tại đây rất thưa thớt. Dọc các tuyến đường ở đây biến thành nơi tập kết đủ loại rác. Ông Mai Văn Vĩnh (sinh sống trên đường 35-CL) cho biết: “Hệ thống đèn đường ở đoạn này có như không bởi vì nhiều đoạn dây, đồng hồ điện đã bị trộm lấy mất. Sau đó cũng chẳng thấy ai thay mới”.
Thực trạng trên cũng diễn ra tại dự án khu tái định cư (nằm trong khu đô thị Nam Rạch Chiếc, thuộc phường An phú, TP Thủ Đức).
Nhiều chủ đầu tư đã “giải tán”
Trên đây là vài điển hình trong hàng trăm dự án nhà ở trên địa bàn TP Thủ Đức chưa hoàn thành, chưa bàn giao hạ tầng. Các dự án này có hạ tầng (hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội) đã được xây dựng cơ bản, người dân cũng đã vào ở. Nhiều dự án có diện tích rộng từ hàng chục đến hàng trăm héc ta, cũng có dự án chỉ vài nghìn mét vuông.
Nguyên nhân do vướng mắc pháp lý hoặc triển khai chậm nên một số hạng mục dự án vẫn chưa hoàn thành, vì vậy chưa bàn giao hạ tầng chung của toàn dự án.
Nói về vướng mắc dự án trên, bà Thượng Thị Ngọc Anh, chủ tịch UBND phường Phú Hữu, cho hay dự án do Công đoàn của Đại học Bách khoa đứng ra thực hiện dù không có tư cách pháp nhân (đáng lý ra phải là Đại học Bách khoa thực hiện). Do các vướng mắc pháp lý nên dự án vẫn chưa bàn giao hạ tầng.
“Địa phương cũng đã tạo điều kiện cho cư dân của dự án tự bỏ tiền ra nâng cấp con đường 711 để nối ra đường Đỗ Xuân Hợp. Đồng thời phường cũng đã có nhiều văn bản báo cáo cho TP Thủ Đức có hướng giải quyết…”, bà Ngọc Anh nói.
Cùng hoàn cảnh dang dở do chủ đầu tư “giải tán” là các dự án như khu nhà ở cán bộ, công nhân viên do Công ty cổ phần đường Biên Hòa làm chủ đầu tư (được phê duyệt từ năm 1999), khu tái định cư ấp Cầu Xây 1 do Công ty DVDL Thủ Đức làm chủ đầu tư (được phê duyệt năm 2001)…
Còn đối với dự án khu dân cư Cát Lái, ông Nguyễn Đức Hiền, chủ tịch UBND phường Cát Lái, cho hay dự án này hạ tầng đã cơ bản đầy đủ nhưng vẫn còn một số hạng mục chưa hoàn thiện như tiếp tục đầu tư xây thêm block chung cư, hồ điều tiết… Vì vậy chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao hạ tầng cho địa phương quản lý.
“Hiện dự án này đã có hơn 1.000 nhân khẩu về ở. Phường đã hỗ trợ cư dân dự án tự bầu ra hai tổ tự quản để tiếp nhận, giải quyết các vấn đề liên quan cư dân”, ông Hiền nói.
Ông Hoàng Tùng, chủ tịch UBND TP Thủ Đức, nói rằng đây cũng là tình trạng chung của TP. Hiện Thủ Đức đang cho rà soát các dự án này.
Sở GTVT đã gửi công văn ba lần không có hồi âmSở GTVT TP.HCM cho biết đối với hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật trong các khu dự án, khu dân cư chưa bàn giao cho cơ quan nhà nước, công tác bảo trì các công trình này do chủ đầu tư thực hiện. Chính quyền địa phương có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và nhắc nhở chủ đầu tư. Qua rà soát thống kê trên địa bàn TP.HCM, hiện có khoảng 291 dự án khu dân cư đã xây dựng hạ tầng nhưng chưa bàn giao hạ tầng. TP Thủ Đức là một trong những địa phương có số lượng dự án chưa được bàn giao nhiều nhất. Trước thực trạng này, TP đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đơn vị liên quan rà soát. Từ giữa năm 2022 đến nay, Sở GTVT TP đã có ba văn bản gửi các địa phương rà soát thống kê các khu dân cư đã và đang đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông nhưng chưa bàn giao cho cơ quan nhà nước quản lý. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có chín quận huyện trả lời. Sở sẽ có văn bản nhắc lần 4 yêu cầu TP Thủ Đức và quận, huyện còn lại báo cáo để tổng hợp báo cáo UBND TP. Trên cơ sở rà soát, Sở GTVT sẽ kiến nghị UBND TP cho phép các cơ quan nhà nước được tiếp nhận theo hiện trạng đối với các khu dự án mà chủ đầu tư chưa hoàn tất các thủ tục bàn giao, chủ đầu tư không còn liên hệ được hoặc doanh nghiệp đã giải thể. Sau khi tiếp nhận xong sẽ thực hiện công tác bảo trì các công trình theo quy định. |
TS Võ Kim Cương (nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM): Chính quyền không thể thả trôi!Thật khó hiểu khi có cả trăm dự án đô thị làm mấy chục năm mà chưa bàn giao. Phải rà soát và xem lại khi ký quyết định đầu tư, quyết định giao đất, hợp đồng… quy định thời gian hoàn thành bao lâu? “Chính quyền không thể thả trôi tiến độ như vậy. Chẳng lẽ nhà đầu tư làm đến 50 năm, chính quyền vẫn để đó, không chế tài, không làm gì được? Cái này cần phải rà soát, làm rõ ra, chứ không thể kéo dài mãi. Đặc biệt là ở các khu đô thị có trục đường lớn đang bị nhà đầu tư rào ngang chắn dọc. Nhìn sang cách quản lý dự án ở một số nhà thầu quốc tế, nếu ta làm chậm họ sẽ phát ngay văn bản để làm bằng chứng sau này khiếu kiện đòi bồi thường. Còn ở ta dường như khâu quản lý dự án vẫn còn lỏng lẻo, chưa mạnh tay, dẫn đến nhiều dự án kéo dài hàng chục năm vẫn chưa xong. |
Khu đô thị 20 năm chưa bàn giao: TP Thủ Đức phản hồi gì?Chiều 20-4, tại cuộc họp báo kinh tế – xã hội TP.HCM, chủ trì cuộc họp đã mời đại diện UBND TP Thủ Đức trả lời trực tiếp các câu hỏi của báo Tuổi Trẻ liên quan thông tin phản ánh về khu đô thị hơn 20 năm chưa bàn giao hạ tầng. Đại diện TP Thủ Đức đưa ra văn bản trả lời. Theo đó, TP Thủ Đức khẳng định trách nhiệm pháp lý hoàn thành trục Nguyễn Hoàng thuộc về Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) và Công ty cổ phần địa ốc Thủ Thiêm theo các quyết định phê duyệt của Thủ tướng và của chủ tịch UBND TP.HCM. Còn việc kết nối trục Vũ Tông Phan là thuộc Công ty cổ phần địa ốc Thủ Thiêm. TP Thủ Đức chỉ đạo UBND phường An Phú vận động sửa chữa tạm mặt đường trong khi chờ chủ đầu tư khắc phục dứt điểm các tồn tại. Đồng thời, TP Thủ Đức đang tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất cơ quan có thẩm quyền các giải pháp như điều chỉnh dự án, điều chỉnh quy hoạch nếu chủ đầu tư đáp ứng điều kiện pháp lý. |
Theo Tuổi trẻ online: https://tuoitre.vn/tp-thu-duc-ha-tang-be-tac-vi-ca-tram-du-an-chua-ban-giao-20230421083346127.htm
Discussion about this post